nhà thờ Ka Đơn
13
Th9

Nhà Thờ Ka Đơn: Khúc thánh ca không cô đơn

Từ đường số 13 trên Quốc lộ 27, đi khoảng 7km, bạn sẽ tới ngã 3 thôn Ka Răng Gọ 2 (Krăng Gọ 2) và thấy bảng hướng dẫn cách nhà thờ Ka Đơn 50m. Rẽ phải lên một triền dốc, bóng dáng nhà thờ đã thấp thoáng xuất hiện trong khoảnh rừng thông mát rượi. Cách Đà Lạt 40km và không nằm trên tuyến đường du lịch phổ biến (xem địa điểm trên Google Maps) nên có lẽ chỉ những người thích khám phá mới chịu khó lặn lội về đây, để ngắm vẻ đẹp rất khác lạ của nhà thờ này.

Ka ĐơnNhà thờ được xây dựng theo đồ án cao học tại Trường đại học Kỹ thuật Berlin của đôi vợ chồng kiến trúc sư người Việt, Vũ Thị Thu Hương và Nguyễn Tuấn Dũng, dựa trên ý tưởng của Linh mục tiền nhiệm Nguyễn Đức Ngọc, người quản giáo xứ Ka Đơn.

nhà thờ Ka Đơn

Kiến trúc nhà thờ tại Việt Nam

Về cơ bản, kiến trúc của những nhà thờ từ thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên trải qua các phong cách lớn như Byzantine (nổi bật với công trình Hagia Sofia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ), Romanesque (St. Sernin ở Toulouse, Pháp), Gothic (Chartres ở Chartres, Pháp), Renaisance – kiến trúc Phục Hưng, Baroque, Đương Đại …

Ở Việt Nam, đa phần các nhà thờ được nhóm thành 3 phân loại: nhà thờ kiểu Tây, kiểu Nam (kết hợp giữa Âu và Á) và thuần Nam. Nhà thờ theo phong cách Tây ở nước ta chủ yếu theo phong cách Gothic (như nhà thờ Lớn – Hà Nội, nhà thờ Đức Bà – TpHCM) mang kiến trúc với cửa kính màu, cửa sổ hoa hồng, vòm nhọn và các tác phẩm điêu khác đặc trưng. Nhà thờ Bùi Chu ở Nam Định là nhà thờ hiếm hoi mang phong cách Baroque.

kiến trúc nhà thờ
Danh sách một số nhà thờ phía Bắc và phong cách tương ứng (Nguồn: tapchikientruc.com.vn)

Nhà thờ Ka Đơn là nhà thờ Công Giáo mang phong cách Đương Đại kết hợp yếu tố Bản Địa. Nét Công giáo được thể hiện rõ qua 14 bức phù điêu Christ Carrying The Cross (Thiên Chúa Vác Thánh Giá qua 14 trạm) được đánh số La Mã từ I đến XIV – đây là nhận thức rõ nét nhất khi bạn bước vào một nhà thờ Công Giáo.

nhà thờ Ka Đơn

Ở một số nơi trên thế giới như Dubrovnik (Croatia), thậm chí 14 bức phù điêu này được bố trí bên ngoài các nhà thờ Công Giáo, như tại 14 trạm dừng chân khi bạn đi bộ lên Ngọn Srđ. Trên đỉnh núi này là 1 cây thánh giá lớn hướng về phía biển, bao quát thành phố cổ Dubrovnik vốn nổi tiếng về du lịch. Đây là 1 cách sắp xếp vô cùng thú vị.

Kiến Trúc Bên Ngoài

Cảm quan đầu tiên thì nhà thờ Ka Đơn có ngay 2 điểm nổi bật:

Hình dáng khác biệt: Các nhà thờ thường thấy có chiều cao nổi bật do đa số nhà thờ Việt theo phong cách Gothic và có tháp chuông dính liền với nhà thờ. Nhà thờ Ka Đơn khá thấp, khiêm tốn, lọt thỏm vào không gian xanh mướt xung quanh theo mong muốn của vị Linh mục Nguyễn Đức Ngọc.

Thiết kế nhà thờ đậm chất kiến trúc bản địa (vernacular architecture), với những đặc điểm được cách điệu từ kiến trúc nhà của người dân tộc Churu. Điểm nổi bật nhất trong hình dáng của nhà thờ là phần mái lợp ngói đỏ được kéo ra rất dài và được chống đỡ bởi những cây cột sơn tối màu mảnh khảnh. Khi nhìn từ 1 số góc độ, ta có cảm giác như phần mái đang lơ lửng trong không trung.

Một điểm rất đáng được khen ngợi đó là việc sử dụng nguyên liệu tự nhiên có sẵn ở địa phương và thân thiện với môi trường. Gỗ thông là một nguyên liệu phổ biến ở cao nguyên, quy trình xử lý đơn giản và độ bền cao. Việc chọn nguyên liệu tự nhiên, kết hợp với thiết kế  giản dị, không làm cho không gian trở nên đơn điệu; trái lại, nó làm tăng tính mộc mạc và chân thật cho thiết kế, tạo nên 1 cái  ấn rất riêng cho nhà thờ, như kiến trúc sư nổi tiếng người Đức Ludwig Mies van der Rohe vẫn nói “Less is More”.

Ngoài ra, các hạng mục khác trong nhà thờ cũng đậm chất bản địa như đá lót nền làm từ đất đỏ bazan – một lọại đá mắc-ma hình thành trong quá trình phun trào lớp vật chất tại địa phương, hay các băng ghế gỗ thông được làm cách điệu từ hình ảnh con trâu trong văn hóa dân tộc … Tất cả những điều này giúp tạo nên sự gần gũi, quen thuộc trong tiềm thức của các giáo dân.

nhà thờ Ka Đơn

Kiến Trúc Bên Trong

Thay cho hình dáng chứ thập Latin thường thấy ở các nhà thờ khác, nhà thờ Ka Đơn được thiết kế theo hình chữ nhật, nhưng vẫn giữ cách bố trí cơ bản với Cung Thánh, Đại sảnh (nave), gian phụ ở 2 bên (aisle) và bệ cao (bema).

Cũng mộc mạc như vẻ bên ngoài của nhà thờ, bên trong thánh đường được thiết kế đơn giản. Nếu quan sát kĩ thì ta sẽ thấy cách xử lý nguyên liệu khá thô mộc và trung thực: khung thép là cấu trúc chịu lực chính của công trình.

Những thanh gỗ thông nhỏ được xếp dọc xuyên suốt từ tường lên trần ốp trên những tấm kính cường lực dày 6 ly từ trong ra ngoài, tạo nên một sự gắn kết liền mạch trong thiết kế giúp không gian cảm giác cao và thoáng đãng hơn. Các kiến trúc sư được đào tạo ở châu Âu, nên cách xử lý và sắp xếp những thanh gỗ như thế này cũng thường thấy ở những công trình kiến trúc ở châu Âu.

Ka Đơn

Tuy nhiên ở Ka Đơn, sự kết nối của những thanh gỗ đươc làm tinh tế, không hề bị “Tây hoá”. Gam màu gỗ ấm bao trùm lấy không gian tạo nên một cảm giác ấm cúng, gần gũi nhưng không làm mất đi vẻ uy nghiêm, thiêng liêng của một thánh đường.

Ở 2 đầu chóp mái được ốp kính (skylight) giúp đem ánh sáng tự nhiên vào không gian. Ánh sáng nhân tạo trong thánh đường đến từ những dây đèn thả với thiết kế đơn giản, tạo cảm giác như những vì sao đang lơ lửng trên trời.

Tóm lại, nhà thờ Ka Đơn là một công trình tôn giáo mới hiếm hoi ở VN mang một dấu ấn rất riêng và đâm chất bản địa. Hệ cửa lùa thiết kế đa lợi ích: co giãn không gian, che bớt nắng gió, trang trí – tạo bóng nắng xuyên qua khe cửa rất đẹp. Bên cạnh đó, nhà thờ không có bàn ghế cố định mà thay vào đó chỉ có hệ ghế băng dài có thể sắp xếp linh động. Đây là lợi thế để nhà thờ có thể chủ động sắp xếp không gian theo nhu cầu.

Ngồi trên những phiến đá dựa lưng vào các cây thông phía trước nhà thờ mà lắng nghe những khúc thánh ca trong trẻo, ta bồi hồi nhận ra nhà thờ không hề cô đơn giữa núi rừng Đơn Dương. Nhà thờ Ka Đơn đã và sẽ luôn được bao bọc bởi các giáo dân và niềm tin vào một cộng đồng đa sắc tộc (người Kinh 30%, người Churu 20%, người K’ho 50%).

… Hiện nhà thờ quản lý gần 6.000 giáo dân, trong đó có khoảng 850 trẻ em.

Thông tin dự án:

  • Địa điểm: Giáo xứ Ka Đơn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng
  • Chủ đầu tư: Giáo Xứ Ka Đơn – Người đại diện: Linh mục Nguyễn Đức Ngọc
  • Thiết kế: vn-a.de (VN Art Arc)
  • Kiến trúc sư: ThS.KTS Nguyễn Tuấn Dũng, ThS.KTS Vũ Thị Thu Hương
  • Các cộng sự: KTS Lương Thị Huyền Diệu, KTS Nguyễn Hà Thắng, KTS Bùi Viết Huy, KS Vũ Trường Giang, ThS.KS Nguyễn Huy Ân, KS Nguyễn Hữu Thơ
  • Cố vấn thiết kế: GS.KTS Finn Geipel, GS.KTS Claus Zillich từ Phân viện Kiến trúc – Trường Đại học Kĩ thuật Berlin (CHLB Đức)
  • Cố vấn phát triển và thực thi dự án: GS.KTS Rainer Mertes từ Phân viện Kiến trúc – Trường Đại học Kĩ thuật Berlin (CHLB Đức)
  • Cố vấn kết cấu: GS.KS Eddy Widjaja từ Khoa Kiến trúc – Trường Đại học chuyên nghiệp Beuth (Berlin, CHLB Đức)
  • Lễ đặt viên đá đầu tiên (khởi công xây dựng): ngày 13/12/2009
  • Lễ khánh thành và Cung hiến: ngày 13/7/2014
  • Giải thưởng: Giải thưởng Kiến trúc Thánh Châu Âu Lần IV – 2011

Originally posted 2020-06-03 12:24:05.